4 dạng lời này, người khôn sẽ không bao giờ nói.

Nhân sinh một kiếp mỏi mòn
Mê trong dục vọng mãi còn chưa buông
Nghìn năm chẳng thoát khổ buồn
Hỏi đâu là chốn linh hồn tựa nương? 


Mỗi người đều có một con đường để đi, một cuộc đời để sống, là tốt hay xấu, phúc hay hoạ cũng đều là tự mình đối diện, tự mình gánh chịu.
Người khôn khéo trong giao tiếp, thông minh thường tự biết tiết chế lời nói của mình. Về cơ bản, họ sẽ không bao giờ nói ra những điều dưới đây. 

1. Không nói lời thị phi, nói xấu sau lưng người khác 
Nói lời thị phi đã là không nên, nói lời thị phi sau lưng người khác lại càng là hành động khó chấp nhận hơn. Người xưa coi kẻ gièm pha, khích bác, “thọc gậy bánh xe” như vậy là hạng tiểu nhân nhỏ mọn. 
Người thích nói xấu sau lưng chắc chắn sẽ không có nhiều bạn bè. Bởi vì họ luôn bán đứng bạn bè. Đã là người thông minh, hiểu đời thì hầu như đều rất minh bạch, xác định được việc nào nên làm, lời nào nên nói, có thể điều chỉnh, dàn xếp tốt các mối quan hệ, chuyển thù thành bạn, kết giao rộng rãi, bao dung, độ lượng. Có như thế mới gặp dữ hoá lành, biến hoạ thành phúc mà cũng tích được phúc báo cho con cháu đời đời về sau.

2. Không nói lộng ngôn, ngông cuồng
Lộng ngôn là những lời nói trong lúc cao hứng mà sinh ra. Người nói lời lộng ngôn ngông cuồng thường là kẻ tự phụ, ỷ vào cái gọi là sở trường, tài năng của mình, vốn đã coi người khác bằng nửa con mắt từ lâu. Nhưng lịch sử đã chứng minh rằng những kẻ tự phụ thường chịu nhận kết cục đau thương nhất.
Người thông minh hiểu rằng hiển thị tài năng chỉ là chuốc thêm rất nhiều sự đố kỵ, ghen ghét của người đời. Ở một phương diện khác, bậc quân tử thường giữ được phong thái trầm tĩnh, vui buồn không để lộ ra ngoài và có thể nhún mình, nhường nhịn người khác mà thu phục nhân tâm.
Một người đã ở cảnh giới cao thường xét đoán sự việc khác hẳn. Kẻ tiểu nhân thường tranh hơn nhau khẩu khí, còn bậc quân tử chỉ cần dùng hành động để chứng minh trí tuệ của mình. Đó là hai việc hoàn toàn khác nhau vậy.

3. Không nói chuyện phiếm
Chuyện phiếm thường là khởi đầu của những lời nói thị phi. Cổ nhân dạy: “Nhàn cư vi bất thiện” (ý nói nhàn nhã quá thì thường làm chuyện xấu). Cũng như vậy, chủ đề của những câu chuyện phiếm chắc chắn là không đứng đắn, đôi khi là nhằm vào người khác mà đơm đặt, bàn tán. Như vậy, nó chính là nguyên nhân tạo ra những lời thị phi sau lưng người khác như đã nói ở trên.
Người thông minh luôn biết bố trí và sử dụng thời gian của mình hợp lý. Chuyện phiếm khẳng định là tiêu tốn thời gian, là một loại gặm nhấm tư duy người ta. 
Thay vì thiêu đốt thì giờ vào những chuyện phiếm không đầu, không cuối, người thông minh hoặc trầm tĩnh bên đèn sách, hoặc rèn giũa, tu luyện bản thân, hoặc du sơn ngoạn thuỷ, xem ngắm cảnh tượng, hoặc chăm sóc, phụng dưỡng thân nhân. 

4. Không nói lời ác nghiệt, oán hận
Khi gặp chuyện không vừa ý hoặc cảm thấy bị đối xử bất công, người ta thường có xu hướng thất vọng, phàn nàn, thậm chí buông lời oán hận. 
Lời oán hận thường mang theo những năng lượng rất xấu bởi nó xuất phát từ tâm oán trách, đố kỵ, lòng sân hận của người ta. Oán hận sẽ che mờ lý trí của họ, sẽ khiến họ không còn phân biệt được thật giả, đúng sai, phải trái. 

Thực tế, những gian nan, khổ ải mà một người thường mắc phải không có gì là bất công. Đứng trước khổ nạn, gian khó hay sự thua thiệt, mất mát về lợi ích cá nhân, họ đương nhiên không một lời oán trách. Họ biết học cách chấp nhận, học cách thích nghi. Chỉ cần có được sự tỉnh táo, mọi khó nạn trong đời họ thảy đều bước qua, đúng hơn là vui vẻ bước qua. 

Theo Internet
Previous
Next Post »